Feeds RSS

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Phù Thủy của Ảnh Số



Trong kỷ nguyên số, máy đã tự chỉnh sửa hình nhiều hơn ta tưởng, và người dùng cũng can thiệp không kém bằng cách chỉnh độ phơi sáng, cân bắng trắng...


Vuông – Tròn, chụp tại chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. Ảnh: Nhật Thanh. Cho đến giờ vẫn còn nhiều người nghĩ rằng hình ảnh "nguyên thủy" từ máy ảnh ra mới là chân thực, và tất cả những sự chỉnh sửa đều làm ảnh phi tự nhiên. Nhưng thực tế, trong kỷ nguyên số, máy ảnh đã "tự" chỉnh sửa hình nhiều hơn là ta tưởng. Máy khử nhiễu theo ý của mình, tự chỉnh cân bằng trắng, làm nét, tăng giảm độ bão hòa màu... Tùy thuộc từng hãng, loại máy ảnh và loại file (JPEG hay RAW, TIFF), người dùng cũng can thiệp vào rất nhiều thông số bằng cách chỉnh độ phơi sáng, cân bằng trắng... Vì vậy, bạn đừng ngại "đụng chạm" vào những tấm ảnh vừa mới chụp, bởi bạn sẽ làm nó đẹp hơn trước rất nhiều. Một bức tranh hoặc bức ảnh đẹp không thể bị giới hạn bởi tỷ lệ khung hình 3x4 (ngầm định của máy compact) hay 2x3 (ngầm định của máy DSLR), bạn hoàn toàn có quyền quyết định sự "vuông tròn" cho tác phẩm của mình. Trong nhiều trường hợp ảnh kiểu panorama hoặc vuông vức mới thể hiện đúng ý mà tác giả muốn nói.



Ankor Wat. Ảnh: Nhật Thanh.
Một số trường hợp khác, máy ảnh bị đánh lừa bởi các nguồn sáng khác nhau với cường độ mạnh yếu và độ nóng khác biệt. Chỉnh sửa sẽ giúp đem lại "sự trong sáng" vốn có của cảnh chụp.
Dưới đây là bức ảnh lúc bình minh với màu chủ đạo là đen, vàng nâu rất lỳ, cộng thêm với đường chân trời bị nghiêng do chụp vội để lấy được đàn chim bay ngang. Nếu nhìn qua có thể nghĩ là không thể dùng được. Hiện tượng này là do nguồn sáng từ mặt trời quá mạnh làm lu mờ nguồn sáng từ phía mặt ruộng lúa. Chỉ bằng việc chỉnh lại đường chân trời, cân bằng trắng và tăng bão hòa khu vực màu lục, màu xanh dương là đã có một bức ảnh đúng như thực tế được nhìn bằng mắt thường.



Bình minh trên cánh đồng Châu Phú (An Giang) khi chưa chỉnh sửa.

Ảnh đã qua chỉnh sửa.
Ngoài ra, những chỉnh sửa nâng cao như làm mịn da khi chụp chân dung, chuyển màu đen trắng, nâu hay những hiệu ứng màu đặc biệt hay tạo khung cho ảnh... sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị khác mà ảnh mới chụp ra không thể có được.
Khi nói đến chỉnh sửa, người ta nghĩ ngay tới phần mềm Photoshop và nhiều người còn sử dụng thuật ngữ Photoshop như là một động từ miêu tả quá trình chỉnh sửa ảnh. Đây là một phần mềm rất mạnh, khó sử dụng với người dùng phổ thông, và đắt tiền. Thực tế còn có rất nhiều phần mềm khác cho người dùng nghiệp dư, giao diện thân thiện và quan trọng hơn cả là miễn phí, dễ tải như Picasa, Photoscape, GIMP...
Nguyễn Nhật Thanh
Theo sohoa.vnexpress.net

Dưới đây là comment của độc giả cho bài viết trên
Không có khái niệm ảnh gốc là ảnh thật
Xin bổ sung cho ý của tác giả về ảnh gốc. Kể cả trong trường hợp chụp ảnh gốc từ máy phim, việc sử dụng loại phim khác nhau và độ phơi sáng khác nhau cũng cho ra kết quả rất khác nhau. Vì vậy, không có khái nhiệm ảnh nào là ảnh "thật". Việc chỉnh sửa ảnh không có nghĩa là làm cho ảnh không thật, vì theo nghĩa đó ảnh gốc cũng không phải là ảnh "thật".
(Hung - hung.solvay@...)

Bản thân mình hoàn toàn đồng ý với bài viết và comment trên.